• Mới nhất

    Wednesday, October 12, 2016

    Gấp gáp nguồn vốn cho nhà ở xã hội

    Địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2016-2020, ghi nhận 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH). HoREA đánh giá, thực tế nguồn lực ngân sách có hạn (kể cả thực hiện phương thức xã hội hóa) vẫn khó giải quyết kịp thời nhu cầu NƠXH của cả nước, nhất là tại Hà Nội, Tp.HCM.

    Ở văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ liên quan và lãnh đạo chính quyền sở tại, HoREA kiến nghị nhiều nội dung xoay quanh vấn đề nguồn vốn cho NƠXH cũng như khuyến khích cho DN, khách hàng tham gia trực tiếp.

    Nghìn tỷ đồng trong năm 2016

    Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho biết, hoạt động triển khai thực hiện chính sách NƠXH đang bị ách tắc do thực tế chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách – điều này xuất phát từ việc ghi nhận những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành.

    HoREA nhận thấy nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách NƠXH 5 năm (2016-2020) phụ thuộc vào khả năng chi ngân sách nhà nước hàng năm.

    Năm 2016 có thể coi là năm đầu tiên thực hiện chính sách mới về NƠXH theo Luật Nhà ở 2014, do đó HoREA thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì xem xét đề xuất bố trí từ 500 đến 1.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách trong năm 2016 để NHNN có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách NƠXH.

    Ngân hàng Chính sách xã hội, tại văn bản 2510/NHCS-TDSV ngày 26/7/2016 có qui định về việc khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với “Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn”.

    Hiệp hội cho rằng quy định này sẽ dẫn đến mức gửi tiết kiệm khác nhau do giá mua NƠXH khác nhau (quy mô căn hộ trong cùng tòa nhà, hoặc giữa các dự án khác nhau).
    Hơn nữa, trường hợp người gửi tiết kiệm chưa đến lượt được mua nhà (do nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu) thì sẽ không xác định được “mức trả nợ hàng tháng” để gửi tiền tiết kiệm.

    Nguồn vốn cho kế hoạch thực hiện chính sách NƠXH phụ thuộc vào khả năng chi NSNN hàng năm

    Ngoài ra, quy định này còn bất hợp lý ở chỗ: mức gửi tiết kiệm hàng tháng cao, bên cạnh đó, người mua còn phải trả lãi vay hàng tháng trong năm đầu do chưa phải trả nợ gốc, và trước đó đã phải trả 20% giá trị hợp đồng mua nhà – toàn bộ chi phí hàng tháng sẽ là gánh nặng cho người mua.

    Do vậy, Hiệp hội kiến nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm NƠXH hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng NƠXH đều thực hiện như nhau. Đơn cử ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng/tháng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người mua NƠXH.

    Tăng sức hút từ chính sách

    Về các quy định liên quan tới quỹ đất của các dự án nhà ở thương mại để làm NƠXH, Luật Nhà ở đã quy định chủ đầu tư của tất cả các dự án nhà ở thương mại phải có trách nhiệm dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NƠXH.

    Đồng thời, Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định các dự án nhà ở thương mại quy mô từ 10 ha trở lên phải xây NƠXH trong dự án; các dự án quy mô dưới 10 ha có thể lựa chọn xây dựng NƠXH tại dự án, hoặc hoán đổi NƠXH ở dự án khác, hoặc thực hiện nghĩa vụ này bằng tiền.

    Theo HoREA, quy định dự án quy mô trên 10 ha phải xây NƠXH trong dự án có thể chưa phù hợp với tất cả dự án lớn. Hiệp hội kiến nghị cho phép DN được lựa chọn 1 trong 3 phương thức để thực hiện nghĩa vụ liên quan: xây dựng NƠXH tại dự án; hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NƠXH có giá trị tương đương tại vị trí khác; thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện của từng dự án cụ thể do UBND cấp tỉnh xem xét quyết định. Nguồn tiền thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển NƠXH theo quy hoạch của địa phương.

    Ở một kiến nghị khác mang tính khuyến khích DN tham gia đầu tư NƠXH, HoREA nhắc tới vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, thỏa thuận chiều cao tối đa các dự án NƠXH.

    Dẫn hàng loạt các quy định trong Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an…, Hiệp hội nhận thấy các quy định này chưa hợp lý, nhất là đối với các dự án NƠXH cao tầng.

    Để rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, Hiệp hội kiến nghị như sau: giao UBND cấp tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án NƠXH, kể cả dự án từ 2.500 căn trở lên; giao Sở Xây dựng thẩm duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp 1 (trên 20 tầng); giao Sở Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy công trình nhóm A; dự án công trình có chiều cao từ 100m trở lên…

    Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách thí điểm để khuyến khích DN thực hiện loại dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng từ 1,5 triệu – 3 triệu đồng/tháng) được tạm hoãn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong vòng đời của dự án (do Luật Đất đai 2013 đã quy định không miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở thương mại), được giảm thuế VAT còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, có chính sách tín dụng ưu đãi… thì còn có thể giảm thêm giá cho thuê loại nhà này, và thu hút DN tham gia đầu tư, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp đô thị thuê được nhà giá rẻ.

    Nguồn: Thời báo kinh doanh

    • Để lại bình luận bằng tài khoản google
    • Để lại bình luận bằng tài khoản facebook

    0 nhận xét:

    Post a Comment

    Item Reviewed: Gấp gáp nguồn vốn cho nhà ở xã hội Rating: 5 Reviewed By: Unknown
    Scroll to Top

    0989.810.180